Di dời Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đến nơi ở mới: Bảo tàng chỉ là... nhà kho cất giữ hiện vật
VHO - Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai đóng gói hàng nghìn hiện vật để di dời đến “nơi ở” mới tại cơ sở 268 Phan Bội Châu (phường Trường An, TP Huế). Tuy nhiên, nơi ở mới cũng gần như là “tạm” vì không có không gian trưng bày chính, hơn 30.000 hiện vật sẽ đối diện với nguy cơ nằm kho trong thời gian dài.
Dãy nhà trưng bày chuyên đề thời chống Pháp bị hỏa hoạn hồi năm 2022
“Trụ sở” của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã ở ké tại di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn bên trong Kinh thành Huế suốt hơn 40 năm qua. Trải qua thời gian dài, cơ sở vật chất, không gian trưng bày, nhà kho… đều xuống cấp nặng nề. Gần như 100% phòng, dãy nhà ở đây đều bị thấm dột mỗi khi mùa mưa.
Hơn 40 năm ở ké…
Từ mùa mưa năm 2023, không gian trưng bày ở Di Luân Đường gần như không thể triển khai các hoạt động trưng bày do mưa xuống là dột, nước chảy vào bên trong di tích, rất nguy hiểm. Trước đó nhiều năm, tình trạng thấm dột đã xuất hiện nhưng bảo tàng chỉ tiến hành các giải pháp khắc phục tạm thời, vì đây là đất của di tích. Di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt và được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới năm 1993.
Theo quan sát của phóng viên, các dãy nhà trưng bày chuyên đề thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cũng bị xuống cấp, tường bong tróc, trần nhà bị nứt vỡ từng mảng và dễ đổ sụp… Bảo tàng đã dùng các trụ cột sắt để chống đỡ, đồng thời dăng dây rào chắn lại để cảnh báo, hạn chế việc đi lại. Ngoài ra, tháng 8.2022 đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại dãy nhà bên trái Di Luân Đường, là không gian trưng bày hiện vật, tư liệu, hình ảnh về giai đoạn chống Pháp (1945-1954). Sau vụ cháy, các hiện vật, tư liệu đã được di dời kịp thời và bảo quản, nhưng các hạng mục bị hư hại vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục nên không gian tại khuôn viên di tích Quốc Tử Giám trở nên nhếch nhác.
Bảo vật quốc gia Bệ thờ Vân Trạch Hòa cùng hàng chục nghìn hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tiếp tục chịu cảnh cất kho Ảnh: S.THÙY
Tình trạng hư hại, xuống cấp tại “trụ sở” Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra trong thời gian dài, UBND tỉnh cũng đã nhiều lần có ý tưởng về việc di dời và xây dựng một cơ sở mới cho bảo tàng nhưng vẫn chưa thực hiện được. Từ cuối năm 2018, tỉnh thống nhất đưa bảo tàng về tại cơ sở số 268 Điện Biên Phủ (phường Trường An, TP Huế), vốn từng là doanh trại của Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến năm 2020, đã có 14 hiện vật thể khối lớn như xe tăng, xác máy bay… được di dời đến khuôn viên 268 Điện Biên Phủ và trưng bày ngoài trời phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân và du khách. Tuy nhiên, hơn 30.000 hiện vật của Bảo tàng Lịch sử tỉnh và bộ máy hành chính vẫn còn ở ké tại di tích Quốc Tử Giám. Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh cho biết, trong năm 2024 sẽ triển khai di dời các hiện vật và bộ phận hành chính để trả lại không gian di tích. Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan cũng đã khảo sát thực tế để xây dựng phương án bảo tồn di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn. Đơn vị cũng đã có làm việc với Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, khi di dời, những hiện vật gắn với di tích Quốc Tử Giám sẽ được bàn giao lại để phát huy giá trị về lâu dài.
Sắp xếp, đóng gói hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế
Và tiếp tục ở ké với nhiều khó khăn
Tại địa điểm mới ở 268 Điện Biên Phủ có diện tích và quy mô, cơ sở vật chất, phòng ốc không tương xứng và đáp ứng được yêu cầu của một bảo tàng đang lưu giữ hơn 30.000 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý và bảo vật quốc gia. Đến nay, bảo tàng được cấp một phần kinh phí nhỏ để sửa chữa, chỉnh trang lại các dãy nhà tại nơi mới để di dời hiện vật đến bảo quản và phòng làm việc cho bộ máy hành chính.
Theo lãnh đạo bảo tàng, kho bảo quản với diện tích sàn hơn 500m2, vốn là nhà ăn của Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, được cải tạo lại. So với kho bảo quản hiện vật hiện nay thì khá hẹp, chỉ khoảng 1/2 diện tích, nên đơn vị tính toán và xây dựng phương án bài bản để khi di chuyển hiện vật đến đây sẽ được bảo quản một cách khoa học, phù hợp. Để chuẩn bị cho kế hoạch di dời toàn bộ bảo tàng đến cơ sở mới, từ đầu năm 2024, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã mời các chuyên gia từ Hà Nội đến tập huấn công tác kiểm đếm và đóng gói hiện vật. Đến thời điểm này, có khoảng 50% tư liệu, hiện vật có kích thước nhỏ, dễ sắp xếp đã được đóng gói, chờ thời gian di chuyển. Công tác đóng gói hiện vật được thực hiện một cách khoa học, xác thực, chắc chắn. “Những hiện vật có kích thước lớn, cồng kềnh thì chúng tôi xây dựng đề án để trình Sở VHTT phê duyệt. Các hiện vật ở bảo tàng là khá “nhạy cảm”, vì mỗi hiện vật đều gắn với những câu chuyện lịch sử nên phải có đề án để làm bài bản, khoa học. Dự kiến, khi thời tiết thuận lợi vào khoảng tháng 6 - 7, bảo tàng sẽ di dời đến cơ sở 268 Điện Biên Phủ”, ông Lộc thông tin.
Bảo tàng được chuyển đến nơi ở mới vốn từng là khu nhà ăn, được cải tạo lại để xếp kho hiện vật
Trong số những hiện vật đang chờ Sở VHTT phê duyệt phương án di chuyển, có 2 bảo vật quốc gia (với 3 hiện vật), gồm: Bệ thờ Vân Trạch Hòa được phát hiện tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền; và Bộ chóp tháp Champa Linh Thái được tìm thấy tại phế tích đền, tháp Linh Thái, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc. Đây là những bảo vật quý từ thời Champa, được lưu giữ, bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh nhiều năm qua. Trong đó, Bệ thờ Vân Trạch Hòa đã từng được đưa sang triển lãm, giới thiệu đến công chúng tại Hoa Kỳ năm 2010. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi thống nhất di dời Bảo tàng Lịch sử tỉnh về cơ sở 268 Điện Biên Phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phê duyệt chủ trương cho việc đầu tư nâng cấp và di dời bảo tàng với kinh phí hơn 14 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó chủ trương di dời vẫn thực hiện nhưng không triển khai việc đầu tư xây dựng nâng cấp bảo tàng mà chỉ cho sửa chữa, chỉnh trang. Cơ sở mới này cũng sẽ là nơi “ở tạm”, tỉnh sẽ nghiên cứu để có phương án xây dựng bảo tàng ở một địa điểm phù hợp hơn.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khi đến cơ sở mới cũng không có không gian trưng bày, chỉ có dãy nhà hành chính làm việc và nhà kho. Chính vì thế, bảo tàng cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động khi đến nơi mới, đó là tập trung hướng hoạt động về cơ sở với các chương trình nghiên cứu sưu tầm, các hoạt động trưng bày triển lãm kết hợp tuyên truyền giáo dục lịch sử và văn hóa Huế… Đồng thời, tổ chức trưng bày ngoài trời theo chủ đề phù hợp với các hiện vật thể khối nặng đang được trưng bày ở khuôn viên cơ sở mới. Cùng với đó, nghiên cứu, sắp xếp trưng bày chuyên đề kho mở để phục du khách tham quan, tìm hiểu; chứ không thể mãi đóng cửa nhà kho, không phát huy giá trị hiện vật cũng rất lãng phí.
Khi đến cơ sở mới cũng không có không gian trưng bày, chỉ có dãy nhà hành chính làm việc và nhà kho. Chính vì thế, bảo tàng cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động khi đến nơi mới, đó là tập trung hướng hoạt động về cơ sở với các chương trình nghiên cứu sưu tầm, các hoạt động trưng bày triển lãm kết hợp tuyên truyền giáo dục lịch sử và văn hóa Huế… (Đại diện Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế) |
SƠN THÙY